Những khó khăn về nhà ở đã được giải quyết phần nào, nhờ các dự án về nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Thu nhập của công nhân cũng từng bước được cải thiện với mức lương bình quân hiện nay là ba triệu đồng/người/tháng. Ngoài tiền lương, mỗi người có thêm tiền phụ cấp, trợ cấp khoảng từ 350 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng/người/tháng. Trong năm năm qua, Liên đoàn Lao động thành phố đã phối hợp các ngành chức năng, hướng dẫn cho công nhân lao động vay hơn 60 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm và hơn 30 tỷ đồng từ Quỹ trợ vốn công nhân lao động nghèo Thủ đô, giúp công nhân phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm mới...
Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng so với những tầng lớp khác trong xã hội, nhìn chung, đời sống, việc làm, môi trường làm việc của công nhân lao động vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi công đoàn các cấp cần sâu sát hơn với cơ sở để thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa bảo đảm điều kiện về vệ sinh môi trường, chế độ bảo hộ lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và rất ít chăm lo tới đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động. Có những đơn vị vi phạm quyền lợi hợp pháp của người lao động như nợ bảo hiểm xã hội... Chính vì vậy, đã có tới hàng trăm cuộc tranh chấp, ngừng việc tập thể xảy ra trong vài năm qua. Bên cạnh đó, tình trạng không ít công nhân lao động nghỉ việc, mất việc hay thường xuyên "nhảy" việc cho thấy người lao động còn phải vất vả xoay xở để lo cuộc sống. Vẫn còn số lượng lớn công nhân trong các khu công nghiệp phải thuê nhà trọ để ở với điều kiện sinh hoạt rất khó khăn. Hệ thống hạ tầng xã hội các khu công nghiệp như nhà ở, nhà văn hóa, nhà trẻ... còn thiếu. Thu nhập của công nhân nói chung còn thấp so với mặt bằng sinh hoạt của cư dân đô thị mà nguyên nhân là do trình độ, tay nghề thấp. Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố, số công nhân lao động của Hà Nội đã qua đào tạo nghề chỉ chiếm tỷ lệ 55%. Về trình độ học vấn, hơn 77% số công nhân tốt nghiệp THPT, số còn lại chỉ học hết cấp tiểu học hoặc THCS.
Vì vậy, để nâng cao đời sống của công nhân, trước hết phải nâng cao trình độ học vấn và tay nghề cho người lao động. Các cấp Công đoàn Hà Nội cần đẩy mạnh các hoạt động bổ túc văn hóa, đào tạo nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời triển khai nhiều biện pháp vận động, động viên người lao động tích cực tham gia học tập. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với người lao động nhằm kịp thời nắm bắt, giải quyết những kiến nghị chính đáng, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp. Hiện nay, có rất nhiều công nhân có nguyện vọng được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong vay vốn giải quyết việc làm hoặc phát triển kinh tế gia đình để tạo thêm thu nhập. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án nhà ở cho công nhân xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp, chế xuất để người lao động yên tâm công tác, ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Tạo mọi điều kiện nâng cao chất lượng lao động và cải thiện đời sống cho công nhân là góp phần tích cực xây dựng đội ngũ công nhân vững mạnh, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài.
|