Làm cha mẹ, mỗi người đều mong muốn mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất nhưng phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu thì không phải ai cũng biết. Tại hội thảo "Phương án 0 tuổi - Bí mật khơi dậy tố chất thiên tài cho bé yêu của bạn" tổ chức ngày 09/02/2012, rất nhiều băn khoăn, trăn trở của những ông bố, bà mẹ trẻ đã được khai mở.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm VSK
Mở đầu bằng đoạn phim xúc động kể về một cậu bé dành dụm số tiền tiết kiệm để “mua” thời gian của bố mình, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức - Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm VICER - chuyên gia hàng đầu về giáo dục sớm tại Việt Nam đã chỉ ra một thực tế: rất nhiều em bé đang cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Các bậc làm cha làm mẹ mải miết kiếm tiền để mua cho con những món đồ chơi đắt giá, quần áo đẹp nhưng họ không hiểu rằng món quà vô giá với các bé chính là khoảng thời gian chúng ta dành cho con. Chỉ với 10 phút mỗi ngày, bạn cũng có thể trở thành người thầy giáo đặc biệt nhất của con mình Tuy nhiên, khoảng thời gian đó phải được áp dụng đúng khoa học mới mang lại nhiều ích lợi cho sự phát triển của bé.
Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, "Phương án 0 tuổi" là nơi gặp gỡ giữa hai nền giáo dục phương Đông và phương Tây. Phương án này nói không với các xu hướng như "quý tộc hóa", "nữ tính hóa", "tiểu học hóa" hay "tự do hóa" khiến trẻ tiếp thu một cách thụ động. Phương pháp này chú trọng đến sự phát triển 9 loại trí thông minh như thông minh tương tác, thông minh hướng nội, nhạy cảm với các hiện tượng thiên nhiên,... bên cạnh thông minh ngôn ngữ, thông minh toán học, thông minh hội họa, thông minh âm nhạc mà chúng ta vẫn thường nói đến.
Cơ sở khoa học của "Phương án 0 tuổi"
Lý thuyết “giờ vàng”
Khái niệm “giờ vàng” được nhắc đến lần đầu tiên trong một công trình nổi tiếng của nhà khoa học Lorenz được giải Nobel năm 1973. Ông là người phát hiện ra khái niệm "dấu ấn ban đầu" khi nghiên cứu về loài vịt giời. Ông đặt ra một giả thiết đặc biệt: Những con vịt con khi nở ra theo mẹ không phải là vì đó là mẹ chúng mà vì mẹ là vật thể di động đầu tiên, tạo ra dấu ấn ban đầu quan trọng nhất.
Công trình này đã gây ấn tượng lớn cho giới nghiên cứu về tương tác mẹ con, cũng như giáo dục sớm. Những kích hoạt sớm này có thể làm thay đổi bản năng của loài vật, trong đó có 3 giờ ông gọi là giờ vàng, sau 3 giờ đó coi như những tác động không mang lại kết quả nữa.
Trên thực tế, trẻ sơ sinh ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ đã có những nhận biết ban đầu về thế giới, đã biết lắng nghe những âm thanh trò chuyện của bố mẹ. Và những giây phút đầu tiên sau khi lọt lòng mẹ là những giây phút đặc biệt quan trọng đối với nhận thức của trẻ. Cha mẹ đã có thể tương tác với trẻ bằng cách âu yếm, vuốt ve, bằng cách trò chuyện khi tắm cho trẻ hoặc cho trẻ ăn,…
Giúp trẻ khám phá thế giới
Theo bản năng, người mẹ bao giờ cũng có xu hướng ôm chặt con trong vòng tay, luôn bảo vệ, che chở cho con - “con ngã mẹ nâng”. Nhưng theo một nghiên cứu khoa học của trường đại học Harvard, bên cạnh người mẹ, những tương tác của người cha cũng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục trẻ, giúp trẻ mạnh dạn khám phá thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức cho biết, phải cân bằng được hai nhu cầu - đó là nhu cầu được bà, được mẹ ôm ấp, che chở và nhu cầu khám phá thế giới thì trẻ mới không bị phát triển lệch lạc. "Chúng ta không phản đối sự ôm ấp của người mẹ, sự chở che của người bà nhưng “lực kéo” của người bố vô cùng quan trọng để trẻ có cơ hội vận động và phát triển theo hướng tự nhiên nhất", ông nhấn mạnh.
Với hàng loạt video clip sinh động, tiến sĩ Nguyễn Minh Đức đã chứng minh cho các bậc phụ huynh thấy rằng, "Phương án 0 tuổi" không hề đánh cắp tuổi thơ của trẻ em mà nó được phát triển dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng về tâm sinh lý và thời điểm có thể kích hoạt tối đa tiềm năng của não bộ trẻ.
Thông qua các clip ghi lại quá trình phát triển nuôi dạy chính con gái mình - bé Gia Hân theo phương án 0 tuổi, từ khi bé lọt lòng mẹ đến khi bé được hơn một tuổi, TS. Nguyễn Minh Đức đã chỉ ra cho các bậc phụ huynh những sai lầm thường mắc phải trong việc nuôi dạy con cái, đồng thời hướng dẫn những phương pháp đơn giản, dễ thực hiện để giáo dục con tại gia đình. Ví dụ, để giúp con phát triển trí thông minh ngôn ngữ, nhận biết mặt chữ sớm hoặc học ngoại ngữ sớm, cha mẹ có thể viết tên các đồ vật trong gia đình, viết tên các đồ chơi quen thuộc của trẻ giúp trẻ tiếp nhận mặt chữ một cách vô thức ngay từ sớm. Trò chuyện với con, đặt câu hỏi cho con hay chơi những trò chơi “giả vờ” với trẻ cũng là những cách mà cha mẹ có thể thực hiện hàng ngày để giúp trẻ phát triển toàn diện, không chỉ về mặt tư duy mà cả tình cảm xã hội.
Cô Nguyễn Thị Nhỏ, người đặc biệt tâm huyết với phương pháp giáo dục sớm
Tham gia chương trình, cô Nguyễn Thị Nhỏ, bà ngoại của cháu Mỹ Anh - một trong những em nhỏ đầu tiên được giáo dục theo phương án 0 tuổi tại trường Mầm non VSK chia sẻ: "Mỹ Anh được giáo dục từ sớm theo Phương án 0 tuổi, cho nên cháu đã phát triển tính cách rất tốt. Cháu là một em bé luôn vui vẻ, giao tiếp với mọi người rất hài hòa. Chưa đầy 5 tháng cháu đã gọi được "bà ơi", "mẹ ơi". Cháu biết quan tâm, chăm sóc mọi người: bà đi làm về biết lấy quạt quạt cho bà, ông đi làm về biết lấy dép cho ông, cậu đi học chưa về biết nhắc bà cất phần cho cậu, ăn gì cũng biết mời mọi người trước. Với cá tính ấy, khi theo bố mẹ sang nước ngoài học tập, cháu dễ dàng hòa nhập với môi trường mới và các bạn, không hề nhút nhát hay e dè như mọi người lo ngại". Theo cô, với Phương án 0 tuổi thì bất kỳ một trẻ em bình thường nào cũng có thể phát triển tốt chứ không phải chỉ có những cháu có năng khiếu đặc biệt.
Hi vọng rằng, với tâm huyết của những người triển khai đưa "Phương án 0 tuổi" về Việt Nam, những phương pháp giáo dục sớm sẽ được nhân rộng trong xã hội, giúp các bậc phụ huynh trở thành những người cha, người mẹ thông minh, giúp trẻ được hưởng những lợi ích vượt trội mà phương án 0 tuổi mang lại. Đó cũng chính là thông điệp mang đậm tính nhân văn mà Giáo sư Phùng Đức Toàn – cha đẻ của Phương án 0 tuổi đã gửi gắm: "Bạn có thể không phải là thiên tài, nhưng bạn có thể trở thành cha mẹ và thầy cô của những thiên tài".
Một số hình ảnh trong chương trình: