Ẩn họa từ những công trường, nhà máy
Những tai nạn kinh hoàng
Tình trạng TNLÐ đang có xu hướng gia tăng. Tính đến tháng 11-2010, cả nước đã xảy ra hơn 2.600 vụ TNLÐ làm hàng nghìn người bị nạn và hàng trăm người chết, thiệt hại về vật chất ước tính hơn 54 tỷ đồng. Khai thác mỏ, xây dựng và sử dụng điện tiếp tục là những lĩnh vực để xảy ra nhiều TNLÐ nghiêm trọng. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong nhiều năm gần đây cũng cho kết quả tương tự. Mỗi năm, số vụ TNLÐ tăng khoảng 7%. Nguyên nhân gây tai nạn chết người nhiều nhất là ngã từ trên cao, chiếm 32%, điện giật chiếm 31%.
Lĩnh vực xây dựng luôn có số vụ tai nạn cao nhất với hàng trăm vụ kinh hoàng, chiếm tới hơn 51% tổng số vụ, tiếp đến là khai thác than và khoáng sản (15,5%), cơ khí chế tạo (5,9%)... Chỉ tính riêng lĩnh vực xây dựng, năm 2009, TNLÐ đã gây thiệt hại về vật chất lên tới gần 40 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 2,7 tỷ đồng và tổng số ngày nghỉ do TNLÐ lên tới 457.817 ngày. Số liệu hồ sơ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) trong năm năm gần đây cũng cho thấy tai nạn chết người trong lĩnh vực xây dựng trên toàn quốc liên tục tăng (năm 2005: 172 người chết; năm 2006: 174 người; năm 2007: 276 người; năm 2008: 212 người; năm 2009: khoảng 280 người).
Ðau lòng nhất là vụ sập nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ ngày 26-9-2007 làm 54 người chết, 80 người bị thương. Tưởng như sau vụ tai nạn đáng tiếc này, tình hình sẽ được cải thiện, nhưng ngay trong năm 2009 tai nạn nghiêm trọng khi thi công cầu vẫn liên tiếp xảy ra. Chỉ tính riêng tại hai công trường cầu Chợ Ðệm và cầu Trà Ôn (Vĩnh Long) đã làm hơn 10 người thiệt mạng. Hay vụ sập nhà kinh hoàng tại đường 19, khu phố Thống Nhất, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Căn nhà năm tầng với diện tích hơn 100 m2 đổ sụp hoàn toàn vùi hơn 10 người gồm cả thợ sơn, thợ hồ và thợ điện đang hoàn thiện nhà, cùng một người đang đi ngoài đường. Thiệt hại về người đã được xác định: ba người chết và chín người bị thương nặng. TNLÐ trong ngành xây dựng liên tục xảy ra và có xu hướng ngày càng tăng cao, trước hết là do ý thức bảo hộ của người lao động và chủ sử dụng còn quá kém.
Ðiều đáng nói tình trạng TNLÐ chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn, hoặc các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương, Ðồng Nai, vốn là những nơi kinh tế - xã hội phát triển. Ở TP Hồ Chí Minh, theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong 13 năm qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 7.000 vụ TNLÐ, trong đó có nhiều vụ TNLÐ nghiêm trọng, làm chết 773 người. Con số này tăng theo từng năm và tăng đột biến trong những năm gần đây. Bảng thống kê số vụ TNLÐ trên địa bàn thành phố cho thấy, số vụ TNLÐ từ 17 vụ (năm 1995) đã tăng lên tới 1.195 vụ (năm 2002). Số người chết vì TNLÐ cũng tăng đáng kể, từ chỗ chỉ có gần 200 người thiệt mạng trong vòng năm năm, đến năm nào cũng hơn 60 người chết, thậm chí có năm 100 nạn nhân (năm 2006). Nếu sáu tháng đầu năm 2009, trên địa bàn thành phố có 43 người chết vì tai nạn lao động thì sáu tháng đầu năm 2010 con số này đã tăng lên 54 người. Tính đến cuối tháng 7-2010, thành phố đã xảy ra 87 vụ tai nạn, làm chết 73 người, bị thương 35 người. Còn tại Hà Nội, số vụ TNLÐ cũng tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính sáu tháng đầu năm nay, đã xảy ra 19 vụ TNLÐ chết người làm 19 công nhân thiệt mạng, số vụ và số người chết đều tăng gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2009.
Ði vào các xóm công nhân ở Bình Dương để tìm hiểu về thực trạng an toàn lao động tại các nhà máy, chúng tôi được các công nhân ';mách nước';: Cứ vào thẳng Bệnh viện Quân đoàn 4 mà hỏi. Quả thực, với đặc điểm nằm giữa các khu và cụm công nghiệp Sóng Thần, Ðồng An, Bình Ðường, Nam Tân Uyên, An Phú, Tân Ðông Hiệp..., bệnh viện quả là điểm y tế cấp cứu ';lý tưởng'; cho các công nhân tại đây khi bị TNLÐ. Theo số liệu của khoa cấp cứu BVQÐ 4 thì số ca cấp cứu do TNLÐ được ghi nhận cao chỉ sau tai nạn giao thông. Trong ba tháng đầu năm 2010 đã có gần 70 ca TNLÐ. Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân đoàn 4, bác sĩ Nguyễn Văn Chiến cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm vụ TNLÐ được đưa đến cấp cứu, điều trị. Nhiều trường hợp tay, chân bị máy cắt, giập nát phải cắt bỏ, bệnh nhân phải chịu cảnh tàn tật suốt đời.
Một báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, số người chết do tai nạn lao động cấp cứu tại bệnh viện cao hơn nhiều so với số thống kê từ các địa phương, bộ, ngành. Theo ngành y tế, mỗi năm có 1.655 người chết khi cấp cứu tại bệnh viện. Còn theo số liệu từ các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, con số này từ năm 2006-2008 là 576. Theo thống kê từ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Ðức cũng cho thấy, có tới 35% trường hợp tai nạn được chuyển đến trong tình trạng rất nặng nề: giập nát tay chân, gãy đốt sống cổ, chấn thương sọ não... và tử vong. Nhẹ hơn thì cũng để di chứng lâu dài, mất đi khả năng lao động, sau thời gian điều trị với chi phí tốn kém. Những con số vô tri nhưng đọc lên khiến người nghe không khỏi giật mình.
Nguyên nhân do đâu?
Có mặt tại khu vực Dịch Vọng (Hà Nội), nơi mật độ xây dựng các tòa nhà cao tầng dày đặc với thời gian làm việc gần như suốt ba ca, chúng tôi thấy hầu hết các khu vực thi công xây dựng không hề có biển cảnh báo, không có rào chắn, không có lưới chắn bảo vệ. Nhìn những người thợ làm việc, leo trèo, đi lại trên giàn giáo được ghép bởi những tấm cốt-pha vừa đủ đặt bàn chân như đi trên những cây cầu ';khỉ'; mà không có bất kỳ một dây bảo hộ nào, ngoài chiếc mũ lá mỏng manh chúng tôi không khỏi rùng mình. Tại công trình cao ốc CT05 góc đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, nhiều thợ không được trang bị đầy đủ BHLÐ nhưng vẫn làm việc bên những chiếc máy trộn bê-tông, máy xúc, cheo leo trên những giàn giáo cao cả chục mét... Một thợ xây đang sục bê-tông trên tầng bốn, một tay vẫn cầm máy sục, tay kia thoăn thoắt bấm điện thoại nhắn tin. Khi được hỏi về trang thiết bị bảo hộ ATLÐ, anh Ðinh Văn Mạnh ở Ngọc Liệp (Quốc Oai, Hà Nội) tặc lưỡi: ';Các anh thì sợ chứ chúng tôi ';quen'; với công việc này rồi. Với lại, mặc đồ bảo hộ, đeo dây vào làm việc khó chịu lắm, mà có ai kiểm tra đâu';.
Thế là đã rõ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNLÐ là nhận thức của người sử dụng lao động về vai trò của công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động còn quá yếu. Thực tế hiện nay, số lao động đang làm việc tại nhiều công trình xây dựng chủ yếu là lao động nông nhàn, lao động thời vụ, trình độ nhận biết về những quy định an toàn trong lao động rất yếu. Phần lớn người lao động khác mà chúng tôi hỏi đều không biết, hoặc biết rất mù mờ về ATLÐ trong làm việc. Ðối với những lao động này, cứ miễn kiếm được tiền là họ vào làm ngay, không cần quan tâm đến an toàn lao động, hay những vật dụng bảo hiểm, trợ giúp trong quá trình lao động. Nhiều trường hợp, do thiếu kiến thức tối thiểu về an toàn nên đã chết oan uổng. Trong các TNLÐ xảy ra tám tháng đầu năm 2010, có tới 766 vụ (chiếm 29,3%) số vụ người lao động vi phạm quy trình, biện pháp an toàn, 87 vụ không sử dụng các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân. Thống kê mới nhất từ Sở LÐ-TB và XH TP Hồ Chí Minh từ 20 vụ TNLÐ xảy ra trong ba tháng đầu năm 2009 trên địa bàn thành phố cũng cho thấy, 75% là do người lao động vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn; 10% là do không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
Một nguyên nhân khác dẫn đến các vụ TNLÐ, là do người sử dụng lao động mắc nhiều sai phạm. Chẳng hạn, người sử dụng lao động đã không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không quan tâm tới việc cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Thậm chí, nhiều nhà thầu muốn tiết kiệm chi phí nên cố tình bỏ qua việc huấn luyện an toàn lao động, cắt giảm các khâu mua sắm trang, thiết bị bảo hộ cho người lao động. Nhiều vụ người lao động ngã rơi tự do dẫn đến tử vong vì phía dưới không có lưới bảo vệ, các khu vực nguy hiểm không được đặt biển cảnh báo, rào chắn... Thông tin từ Bộ LÐ-TB và XH cho biết, trong tám tháng đầu năm 2010, có 77 vụ tai nạn lao động do người sử dụng không tập huấn về an toàn lao động cho công nhân và có gần 200 vụ thiếu hoặc không có thiết bị an toàn, không có quy trình, 72 vụ không có biện pháp an toàn lao động.
Không ';giật mình'; sao được khi được biết ở Việt Nam hiện có hơn 90% doanh nghiệp thiếu bộ máy giám sát người lao động thực hiện các quy định, nội quy về an toàn lao động. Chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp quy mô trên 50 lao động tại TP Hồ Chí Minh có Hội đồng lao động. Nhân sự trong các hội đồng này chủ yếu chỉ là cán bộ kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn nên công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn lao động chưa hiệu quả. Ngoài ra, còn có tình trạng các nhà thầu lớn hay bán thầu cho các đơn vị nhỏ hơn thi công. Các nhà thầu thường ký hợp đồng thuê nhân công khoán gọn cho một nhóm trưởng, tổ trưởng theo khối lượng công việc và hoàn toàn phó mặc cho họ tự tổ chức thi công. Chủ công trình bán thầu, khoán trắng công tác an toàn lao động cho cai thầu để tiết kiệm chi phí.Với lực lượng lao động thiếu chuyên nghiệp như vậy, công tác bảo đảm an toàn lao động càng không đáp ứng yêu cầu.
Theo Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Tạ Ðăng Mạnh, công tác bảo đảm an toàn lao động tại các công trường xây dựng rất kém. Chi phí cho bảo hộ lao động nhìn chung là thấp, thường chưa đến 1% chi phí sản xuất, có nơi chỉ 0,5%. Theo ông, ngoài những nguyên nhân nêu trên, thiết bị cũ kỹ, sử dụng thợ không đúng cấp bậc, chức danh công việc cùng sự non kém trong thiết kế phương án, tổ chức thi công cũng là nguyên nhân có thể gây ra TNLÐ nghiêm trọng.
Về quy trình xử lý các vụ TNLÐ nghiêm trọng gây chết người, thanh tra lao động cấp Sở phối hợp liên ngành với Công an điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự thì đề nghị cơ quan pháp luật khởi tố hình sự. Tuy nhiên, một thực tế là lâu nay nhiều địa phương không kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định về an toàn lao động, thậm chí TNLÐ xảy ra, chính quyền cũng không biết. Mỗi khi xảy ra TNLÐ chết người, chủ sử dụng lao động chỉ bồi thường cho người nhà nạn nhân chừng vài chục đến 100 triệu đồng...là xong! Việc tố tụng,
khiếu nại thường rất hiếm. Vì thế, dù tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra nhiều, nhưng phần lớn đều đi vào lãng quên. Chẳng hạn trong số 507 vụ TNLÐ nghiêm trọng gây chết người năm 2009 (có vụ chết nhiều người), nhưng hết tháng 2-2010, Cục An toàn lao động mới nhận được 235 biên bản điều tra. Số lượng biên bản điều tra các vụ tai nạn chết người rất ít, thậm chí, nhiều tỉnh, thành phố có TNLÐ rất cao không báo cáo một vụ nào (Bình Dương (0/23 vụ), Hải Phòng (0/14 vụ), Hải Dương (0/13 vụ)... Năm 2010, trong 245 vụ TNLÐ chết người xảy ra, cơ quan chức năng chỉ mới nhận được biên bản điều tra hoặc báo cáo nhanh của 61 vụ. Thống kê chưa đầy đủ tại 33 trong tổng số 63 tỉnh thành cả nước, số doanh nghiệp tham gia báo cáo hiện chỉ chiếm 2,42% tổng số doanh nghiệp được thống kê.
Chưa kể, khi một vụ TNLÐ thương tâm xảy ra, thường sau đó được khởi tố, điều tra, nhưng rốt cuộc việc xử lý lại bỏ ngỏ, trách nhiệm được chỉ rõ về mặt pháp nhân, nhưng lại không chỉ ra được trách nhiệm cá nhân. Trong số hàng trăm vụ tai nạn lao động gây chết người gần đây, chỉ có hai vụ được chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát để đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố các cá nhân liên quan. Chẳng hạn, với hàng loạt TNLÐ tại công trình thi công cao ốc Keangnam (Hà Nội) làm sáu người chết, trong đó có hai kỹ sư giám sát, vụ án đã được khởi tố, điều tra năm 2009 theo điều 229 - BLHS, tội ';vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng';. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với cá nhân liên quan vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Chưa kể, một số vấn đề quan điểm của cơ quan tố tụng lại không đồng nhất như kết luận thanh tra lao động.
Việc điều tra xử lý thiếu kịp thời, nghiêm minh đã phần nào dẫn tới tình trạng ';nhờn thuốc';, xem thường các quy định của Nhà nước về công tác ATLÐ, thậm chí phó mặc người lao động. Bởi chẳng may nếu tai nạn xảy ra, các đơn vị, nhất là cá nhân sử dụng người lao động để xảy ra tai nạn, chỉ phải chi ra một số tiền (nhỏ hơn rất nhiều so với chi phí để bảo đảm ATLÐ) là mọi chuyện sẽ êm thấm. Trong khi, TNLÐ với chiều hướng gia tăng, vẫn đang tiếp tục gây thiệt thòi, đau khổ làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người lao động và gia đình họ.
Ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐ - TB và XH Hà Nội: Có một thực tế rất đáng lo ngại hiện nay là người sử dụng lao động thường bỏ qua các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, không thực hiện huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động. Nếu có, chỉ phổ biến sơ sài từ 5 đến 10 phút trước giờ làm việc. Trong khi đó, lao động phần lớn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, không hiểu gì về các biện pháp an toàn trong quá trình làm việc, nhất là các công việc trên cao.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Khương: Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ thì có nhiều, song có những nguyên nhân chính là chủ doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định về vệ sinh ATLĐ, ý thức chấp hành nội quy về ATVSLĐ của người lao động chưa cao. Bên cạnh đó, cũng còn một số nguyên nhân khác như chủ doanh nghiệp tăng ca, tăng giờ làm nhiều, tạo cảm giác mệt mỏi cho NLĐ. Các nhà thầu (đặc biệt là nhà thầu tư nhân) chưa quan tâm thích đáng đến bảo đảm an toàn lao động, thường cắt giảm chi phí cho công tác này. Điều này lý giải tại sao, vào những tháng cuối năm, số vụ TNLĐ tại các KCN, cụm công nghiệp ở Bình Dương lại thường tăng cao.
|