Viện Pasteur TP HCM đã chính thức khuyến cáo người tiêu dùng, nếu sử dụng các vật dụng bằng nhôm không đảm bảo chất lượng trong đun nấu, chứa đựng thực phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Một trong những hậu quả đáng lo ngại là hội chứng lú lẫn sớm với các biểu hiện trí nhớ giảm sút, phản ứng trì trệ, trí năng giảm, cử động chậm chạp, cười khóc bất thường. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã cảnh báo như trên về tác hại của nấu nướng, chứa thức ăn trong dụng cụ nhôm làm từ nhôm tái chế, lẫn tạp chất.
|
Hầu như không ai biết những đồ nhôm mình dùng được sản xuất như thế nào. |
Chị Nguyễn Thị Hường (Quảng Xương, Thanh Hoá) cho biết, đồ dùng nấu nướng của gia đình chị đều bằng nhôm, từ nồi niêu xoong chảo cho đến cối giã cua. Nồi nhôm nhẹ, mỏng, có thể treo trên tường hay chồng lên nhau không mất diện tích và khi nấu nướng thức ăn rất nhanh chín.
Giá thành nồi nhôm lại rất rẻ. Cả bộ nồi nhôm nhà chị gồm 5 chiếc, cộng với cối, chảo, giá cũng rất... bèo, chỉ hết khoảng 150.000 đồng. Chị Hường nói thêm: "Nhưng tôi thấy rất lạ là sau khi nấu canh cua hoặc canh cá dọc mùng, những chiếc nồi nhôm sáng bóng một cách bất thường. Còn chiếc nồi nào kho cá, kho thịt trong vài lần đã thấy xuất hiện vết rỗ đen nơi đáy nồi".
Chị Lê Diệu Ninh (Sơn Cẩm, Phú Lương, Thái Nguyên) cũng tậu một bộ nồi nhôm gia công về đun nấu. Chị Ninh cho biết lý do quan trọng để chị sử dụng nồi nhôm bên cạnh những tính năng siêu mỏng, siêu nhẹ, nó còn siêu... rẻ. Chỉ 50.000 đồng, chị đã có trong tay 3 chiếc nồi phục vụ nội trợ cho cả gia đình.
|
Chị Nguyễn Thị Hường đang lo lắng vì chiếc nồi nhôm sau vài lần nấu canh cua, kho cá, kho thịt đã lộ rõ những vết rỗ ở đáy. |
Tại Hà Nội, ra ngõ là gặp người bán nồi nhôm siêu mỏng, siêu rẻ. Nó không chỉ phù hợp với những người có thu nhập thấp mà còn được bán rất chạy cho sinh viên ngoại tỉnh, lao động nhập cư. Chỉ 30.000 đồng, họ đã mua được 2 chiếc nồi nhôm xinh xinh.
Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Hoàng Thuỷ Tiến cho biết: "Lợi thế nhất của hàng nhôm gia công, tái chế là giá thành rẻ. Người tiêu dùng không biết hoặc biết tác hại nhưng không có điều kiện thay đổi nên vẫn dùng. Điều nguy hiểm nếu dùng đồ nhôm từ nhôm phế liệu, không xử lý hết tạp chất, không tạo được bề mặt trơ với môi trường thì khi đun nấu, chứa đựng thực phẩm dễ tạo ra các ion nhôm vào thực phẩm gây hại cho sức khoẻ".
Trong năm nay, Bộ Y tế ban hành Quy định giới hạn tối đa vi sinh vật và tồn dư các chất ô nhiễm trong thực phẩm. Quy định này được sửa đổi bổ sung dựa trên Danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực thực phẩm đã ban hành cách đây hơn 10 năm. Theo đó, quy định có bổ sung giới hạn kim loại nặng trong dụng cụ chứa đựng bảo quản thực phẩm như chì, asen, cadimi, antimoan. Nếu đơn vị, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo pháp luật hiện hành.
Đặc biệt, khi nấu ở nhiệt độ cao với thức ăn có nước mắm, muối, canh chua, canh riêu phản ứng hoá học xảy ra nhanh hơn, tạp chất độc sẽ thôi nhiễm nhanh hơn và lẫn vào thức ăn. Theo các nghiên cứu khoa học, đồ dùng nhôm chứa đựng thức ăn nóng, chua, mặn hoặc để qua đêm, bề mặt nhôm dễ bị rỗ, giải phóng các ion nhôm vào cơ thể, tích luỹ ở tế bào não, gây ra hội chứng lú lẫn sớm. Biểu hiện là trí nhớ giảm sút, phản ứng trì trệ, trí năng giảm, cử động chậm chạp, cười khóc bất thường.
Với các mặt hàng nhôm tràn lan không rõ nguồn gốc như hiện nay, việc kiểm tra chất lượng cũng như ảnh hưởng với thực phẩm khá khó khăn, nên người tiêu dùng cũng phải tự biết bảo vệ sức khoẻ. Tốt nhất, các gia đình nên hạn chế dùng đồ nhôm gia công.
Theo ông Tiến, nếu có điều kiện nên dùng đồ inox, đồ nhôm được qua phương pháp điện hoá có chất bao phủ trên bề mặt để nấu nướng. Đối với gia đình đang dùng đồ nhôm nguyên chất của Liên Xô, Hải Phòng... sản xuất cũng không nên hoang mang, có thể yên tâm sử dụng tiếp nếu biết chắc chắn nó được sản xuất từ nhôm nguyên chất.
Bát đĩa, nồi, chảo, ấm nấu nước... bằng nhôm là đồ dùng bếp núc phổ biến nhất hiện nay. Và nếu theo cảnh báo của Viện Pasteur TP HCM thì bất cứ ai cũng có thể mắc phải chứng lú lẫn, nhanh quên. Phiên chợ Trôi của thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Tây hôm 21/10 có 2 sạp hàng bán dụng cụ nấu ăn thì cả hai hàng chủ yếu bán đồ nhôm.
|
Đồ nhôm bày bán la liệt tại phiên chợ Trôi (thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Tây). |
Nồi niêu xoong chảo bằng nhôm đủ các cỡ, ấm nhôm khay nhôm, bát nhôm to nhỏ nằm la liệt, sáng loáng áp đảo các đồ dùng cùng tác dụng làm bằng inox, thuỷ tinh hay sành sứ. Các đồ dùng nhỏ khác nhưng cũng trực tiếp tiếp xúc với thức ăn như cặp lồng, tô đựng canh, muôi, thìa nhôm cũng không vắng mặt.
Chị Thuỷ, chủ sạp phía ngoài cổng chợ bán được 10 thứ đồ trong phiên chợ sáng thì tất cả là đồ nhôm; còn chị Vân ở phía trong bán 7 cái nồi thì duy nhất chỉ 1 cái là inox.
Lý do đồ nhôm bán được rất đơn giản là “vừa rẻ, vừa bền. Còn hàng inox đắt, thuỷ tinh hay gốm sứ dễ vỡ, ít người mua”, chị Thuỷ nói. Áp đảo về số lượng, mẫu mã, đồ nhôm ở đây còn phong phú về xuất xứ. Ngoại trừ mấy cái chảo nhôm chống dính là “hàng hiệu”, còn tất cả đều được bán theo dạng không rõ nguồn gốc, người mua không thể biết được đó là của công ty, xí nghiệp nào. Hai chủ sạp tiết lộ, phần lớn hàng của họ được mua từ các lò tư nhân, nấu lại từ các loại nhôm phế thải.
Do quen dùng và tin tưởng vào độ an toàn của đồ nhôm, nên thông tin đồ dùng bằng nhôm có thể gây ra giảm trí nhớ được bà con tiếp nhận khá dửng dưng. Cụ Trần Đắc Sửu ở xã Tân Lập (Đan Phượng, Hà Tây) vừa mua xong một chõ hong xôi ở chợ Tân Hội (xã Tân Hội, Đan Phượng, Hà Tây) cho biết: Tất cả nồi niêu, xoong chảo trong nhà cụ đều bằng nhôm; việc đựng thức ăn qua ngày theo Viện Pasteur là nguy hiểm thì lại là chuyện hàng ngày ở nhà cụ. Thậm chí, cái nồi kho cá của nhà cụ thường xuyên sùi bọt trắng nhưng gia đình vẫn tiếp tục dùng.
“Tôi 72 tuổi, dùng đồ nhôm cũng bằng ấy năm nhưng thấy vẫn bình thường, giờ mới nghe anh nói là nó độc”, cụ Sửu nói. Tuy nhiên, dù biết “có độc” nhưng để người dân từ bỏ cái nồi, ấm nhôm đã quen dùng hàng mấy chục năm là điều không dễ.
Anh Nguyễn Văn Ngọc - chủ cửa hàng bán đồ nhôm ở chợ Tân Hội cho biết, nhà anh cũng sử dụng nhiều đồ nhôm và vẫn chưa có ý định ngừng, giảm bán cũng như thôi dùng đồ nhôm trong nhà. Anh nói: “Nếu có ai đó dùng đồ nhôm mà chết ngay thì mới sợ, chứ dần dần mới chết, hoặc có làm sao thì người dân vẫn sẽ tiếp tục dùng”.
|
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)
Copy & Chia sẻ cho bạn bè qua Yahoo, Skype...